Quý ông méo mặt chịu tiếng “trăng hoa” vì “xuất binh” ra máu

 

Quý ông cần tới bệnh viện thăm khám ngay nếu có hiện tượng “xuất binh” ra máu.

 

Nếu không phải đi lăng nhăng bên ngoài thì làm gì có bệnh gì kinh sợ thế này chứ...”. Đây là trường hợp “cười ra nước mắt” mà bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn gặp phải trong quá trình khám chữa bệnh cho các quý ông.

Biểu hiện của bệnh lý

Cần tới bệnh viện ngay

Xuất tinh ra máu là hiện tượng khá phổ biến ở các quý ông và thường gặp là những bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản khi được chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo, chính tâm lý e ngại đến gặp bác sĩ khiến cho hiện tượng xuất tinh máu ở các quý ông tái đi tái lại, phát bệnh nặng thêm khiến việc điều trị gặp trở ngại đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng phòng the và sức khỏe sinh sản sau này. Khi xuất tinh ra máu tức là trong tinh dịch có hồng cầu và bạch cầu, nếu không được điều trị sớm, để tái đi tái lại nhiều lần, các tế bào bạch cầu trong máu sẽ ăn tinh trùng (hiện tượng thực bào) gây tình trạng mất tinh trùng, khiến nam giới bị vô sinh. Bởi vậy, khi có hiện tượng xuất tinh ra máu, nam giới cần đến các cơ sở y tế, phòng khám nam khoa để được làm các xét nghiệm xác định đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo ThS. BS Nguyễn Anh Tuấn (Chuyên khoa Nam Học, Bệnh Viện Hồng Ngọc) thì bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp các quý ông đến khám do có hiện tượng xuất tinh ra máu hay đi tiểu có lẫn máu sau khi quan hệ tình dục. Hiện tượng xuất tinh ra máu ở nam giới khi “yêu” khiến cho cả các quý ông lẫn các bà vợ/ người tình của họ lo lắng. Nhiều phụ nữ còn cho rằng, đây là bệnh xã hội mà các ông chồng mình “tòm tem” ở ngoài mang về. Chị Đỗ Hải Yến ( Gia Lâm, Hà Nội) là một ví dụ, chị Yến và chồng – anh Trịnh Gia Minh lấy nhau được 5 năm, có một cô con gái xinh đẹp, đời sống vợ chồng hạnh phúc, viên mãn. Một lần sau khi ân ái, chị Yến thấy “vùng kín” của mình toàn máu, rõ ràng không phải là ngày “đèn đỏ” khiến chị nghi ngờ. Sau khi kiểm tra thì đúng là máu ở “tinh binh” của chồng, vậy là chị bù lu bù loa lên và bắt chồng phải khai xem đã đi “hái hoa bắt bướm” bên ngoài lúc nào mà rước bệnh về nhà.

Anh chồng ấm ức lắm, thề thốt thế nào vợ cũng không tin. Ngày hôm sau, hai vợ chồng dắt nhau đến khoa Nam học để kiểm tra. Sau khi thăm khám, anh Minh được bác sĩ kết luận xuất tinh ra máu là do bị viêm và nhiễm khuẩn đường sinh dục. Do bị viêm nhiễm đường sinh dục nên trong quá trình quan hệ tình dục đã gây kích thích niêm mạc làm sung huyết và phù nề các ống, các tuyến của đường dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, niệu đạo... khiến xuất tinh có kèm máu. Cũng sau đó, bác sĩ phải giải thích đây là hiện tượng và căn bệnh thường gặp ở nam giới, ở bất cứ lứa tuổi nào chứ không phải chỉ xuất hiện với những quý ông lăng nhăng thì chị Yến mới hết nghi ngờ, cùng chồng đi mua thuốc về điều trị.

Giống như anh Minh, anh Phạm Gia Tân (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng có hiện tượng ra máu khi quan hệ tình dục. Lúc đầu thấy có vết máu, anh cứ nghĩ mình “yêu” vào kỳ “đèn đỏ” của vợ. Nhưng chị vợ khẳng định nguyên nhân không phải do mình. Sau đó, anh Tân đi tiểu thì thấy hơi tức, buốt, nước tiểu không hề có màu nhạt như thường lệ mà lại có màu hồng hơi sậm. Lúc đầu anh ngại đi khám, cố gắng uống thật nhiều nước thì những lần đi tiểu tiếp theo màu nước tiểu bình thường, không có hiện tượng kèm máu. Tuy nhiên thời gian này, anh cảm thấy khó khăn mỗi lần đi tiểu nhất là khi lúc bắt đầu tiểu và đi tiểu thường xuyên vào ban đêm. Gặp phải hiện tượng này, anh Tân chẳng còn ham hố gì “chuyện ấy” nữa. Phải 3 tuần sau đó, vợ chồng mới “quan hệ” trở lại thì anh lại xuất tinh ra máu khiến cả hai đều lo lắng. Sáng hôm sau tới bệnh viện khám, bác sĩ kết luận anh bị u xơ phì đại tiền liệt tuyến, cản trở khả năng ống bàng quang và cần phải nhập viện để phẫu thuật.

Nguyên nhân và cách điều trị

Theo bác sĩ Anh Tuấn, hiện tượng xuất tinh ra máu là có máu trong tinh dịch, hay tiểu có kèm máu trong 1- 2 lần sau qua hệ tình dục cũng được coi như xuất tinh máu. Có nhiều trường hợp bệnh nhân thấy không rõ, có thể tự hết nhưng thông thường sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây có thể là hiện tượng báo hiệu những bệnh lý về niệu khoa - nam khoa cần được thăm khám và điều trị. Hiện tượng xuất tinh ra máu là hiện tượng khá phổ biến ở nam giới ở bất kỳ độ tuổi nào. Một số người bị giật mình, lo lắng khi thấy tinh dịch có màu, toàn bộ tinh dịch có màu đỏ tươi, màu hồng sậm. Có người khi xuất tinh xong không để ý và sau khi đi tiểu thấy có máu hòa lẫn nước tiểu mới hoảng hốt.

Theo bác sĩ, phần lớn hiện tượng chảy máu khi xuất tinh ở nam giới là do viêm, nhiễm khuẩn đường sinh dục. Quá trình viêm nhiễm khiến kích thích niêm mạc gây ra chảy máu và phù nề các ống dẫn túi tinh, niệu đạo hay tuyến tiền liệt gây xuất tinh ra máu. Đây cũng có thể do tăng huyết áp làm các mao mạch ở niệu đạo căng phồng lên gây vỡ khiến các quý ông xuất tinh kèm máu. Xuất tinh máu cũng có thể là biểu hiện của viêm ống dẫn tinh, lao túi tinh, ca tuyến tiền liệt, u phì đại tuyến tiền liệt và thậm chí là ung thư tuyến tiền liệt. Ở những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt, nếu không được khám chữa kịp thời có thể khiến bệnh di căn vào xương, gây khó khăn trong quá trình chữa trị.

“Đối với những trường hợp nam giới bị viêm, nhiễm khuẩn đường sinh dục, chỉ cần thăm khám và điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc cầm máu và thuốc tăng sức bền của thành mạch và vệ sinh sạch sẽ là có thể chữa khỏi. Ở trường hợp bệnh nhân bị kết luận xuất tính ra máu do viêm mãn tính ống phóng tinh, lao túi tinh (lao đường sinh dục) cũng được điều trị khá đơn giản. Nam giới được điều trị bằng thuốc liên tục trong 6 tháng – 1 năm thì khỏi hẳn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi hết hiện tượng xuất tinh ra máu đã tự ý ngưng thuốc khiến bệnh tái phát và phải điều trị lại từ đầu. Vì vậy, bệnh nhân phải điều trị cho khỏi hẳn, khi thấy cơ thể không còn xuất tinh ra máu cũng không được tự ý ngừng thuốc mà phải dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu để xác định bệnh đã khỏi thực sự hay chưa tránh tình trạng bệnh tái phát nặng hơn, điều trị khó khăn và tốn kém hơn.

Những bệnh nhân bị u phì đại tuyến tiền liệt có thể phải phẫu thuật nếu nó gây ảnh hưởng đến đường tiểu. Tuyến tiền liệt có vai trò quan trọng trong sản xuất tinh dịch, nuôi dưỡng tinh trùng. Khi bị u phì đại tuyến tiền liệt sẽ có xuất hiện khối u hình cầu gồm 2 hay 3 thùy áp sát vào nhau hướng vào lòng bàng quang hay phía trực tràng gây hiện tượng khó tiểu, tiểu nhỏ giọt, dòng chảy yếu đi tiểu nhiều lần đặc biệt ban đêm, gần về sáng, cũng có thể gây hiện tương xuất tinh ra máu, tiểu ra máu. Bệnh nhân có thể được cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP), đó là phẫu thuật sử dụng công cụ nhỏ vào niệu đạo và cắt để loại bỏ tất cả những phần bên ngoài của tuyến tiền liệt. Bác sĩ cũng có thể điều trị bệnh phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, mổ mở tuyến tiền liệt, mổ cắt nội soi hay các phẫu thuật khác để dòng nước tiểu được thoát ra, mạnh hơn, không còn chèn ép vào bàng quang hay trực tràng, hiện tượng xuất tinh ra máu hay đái máu cũng tự hết sau khi điều trị bệnh”, bác sĩ Tuấn cho hay.

Xuất tinh ra máu cũng có thể do viêm niệu đạo kéo dài, nhất là ở những nam giới trẻ tuổi. Các trường hợp như hẹp niệu đạo, nang niệu đạo hay polype niệu đạo cũng có thể gây ra tình trạng này. Người trẻ tuổi cũng không nên quá lo lắng về tình trạng này vì chủ yếu là những bệnh lành tính, chỉ những quý ông trên 40 tuổi có hiện tượng xuất tinh ra máu mới dễ gặp phải các bệnh ác tính. Khi đến khám, bệnh nhân sẽ được thử PSA trong máu, siêu âm trực tràng cộng hưởng từ và CT là những công cụ giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán của bác sĩ. Khi bệnh nhân có tiền sử máu khó đông hay các bệnh lý về máu cần nói với bác sĩ ngay khi đến khám. Đồng thời, trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cần “kiêng” quan hệ tình dục để bệnh nhanh khỏi.     

Bảo An/Báo Gia đình & Xã hội

KhamPhaMai.com