Nhật ký 1 tuần con đi lớp và tuyệt chiêu chuẩn bi tâm lý giúp con đi học siêu ngoan của mẹ Sài thành

  • TAGS

Bất cứ bé nào rồi cũng đến tuổi đến trường, quan trọng là sớm hay muộn. Tuy nhiên, chị Thoa cho rằng, nếu có thể hãy cho con đến trường sớm hơn, để con học hỏi, được vui chơi và giao tiếp với các bạn.

Thời điểm thích hợp cho bé đi mẫu giáo

Theo chị Thoa, thời điểm 18 tháng là đỉnh điểm của việc phân biệt quen – lạ. Do đó, bố mẹ cần tránh thời điểm này, nên cho bé đi lớp sau đó 1 tháng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, việc cho bé đi mẫu giáo, còn phụ thuộc vào sự phát triển não bộ và những kĩ năng giao tiếp tối thiểu của bé. Bé phải đạt được 2 điều này, mới mang lại nhiều lợi ích.

Chị Thoa và bé Gold (Ảnh: NVCC)

Những lợi ích và nguy cơ khi cho bé đi học

Bà mẹ trẻ đưa ra quan điểm rằng, nhà trẻ là nơi mang những lợi ích cho trẻ. Con sẽ được học hỏi vui chơi, giao tiếp cùng các bạn, điều đó giúp ích cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, cũng mang những tiềm ẩn về sức khỏe (cúm, các bệnh nhiệt đới), stress (có sự liên quan giữa gia tăng tỷ lệ táo bón với tỷ lệ stress, tối về ngủ hay mơ và khó ngủ).

Chọn trường phù hợp cho bé bắt đầu đi lớp

Về vấn chọn trường cho con, chị Thoa nhấn mạnh: “Mỗi người mỗi ý kiến cá nhân, sở thích riêng, nên việc chọn trường cũng tùy thuộc vào từng gia đình. Bản thân mình, chọn trường phù hợp với những tiêu chí như: Học phí nằm trong khả năng chi trả, thuận tiện trong việc đưa đón bé mỗi ngày, chế độ ăn uống phù hợp, cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu của ba mẹ".

Mẹ trẻ Sài thành đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi vậtd dụng cho con đi lớp (Ảnh: NVCC)

Những đồ dùng cần chuẩn bị cho bé đi lớp

Thông thường, ở trường sẽ có giường cho bé nằm, do đó mẹ bé Gold đưa ra một số đồ dùng cần chuẩn bị cho bé như sau:

- Gối nằm

- Gối ôm

- Mền

- Ba lô đi học

- Quần áo (tùy theo mùa – tầm 3 bộ)

- Bỉm (tùy vào số lượng sử dụng)

- Sữa (cữ trưa sau ăn)

- Sữa bột/sữa tươi

- Túi đựng đồ bẩn

- Bình sữa

- Khăn

Chuẩn bị tâm lý cho mẹ và bé khi con đi lớp

Chị Thoa chia sẻ, bé Gold được mẹ chăm từ nhỏ đến lớn, chưa một ngày phải xa mẹ. Chưa kể, chị không yên tâm về ăn uống, ngủ nghỉ của bé, do đó chắc chắn ngày gửi đầu tiên, sẽ là ngày dài đầy sự lo lắng, bồn chồn và đầy những câu hỏi sợ hãi.

“Ban đầu mình thực sự không nghĩ sẽ gửi bé sớm, vì cứ đinh ninh tầm 2 tuổi mới gửi, trong khi con mới đầy 19 tháng. Vậy mà, mình lại thay đổi ngay quan điểm, khi gặp một cậu bé chạc tuổi bạn Gold, về tác phong rất chỉn chu, ngay ngắn. Vậy là quyết tâm của mình lại trỗi dậy, bắt đầu kế hoạch cho con đi học. Trước sau gì cũng phải chấp nhận những điều này.

Ngày đầu tiên con đi học, không hiểu sao mình thấy hụt hẫng, không yên tâm. Mình dán mắt vào camera liên tục không rời. Mỗi khi thấy con ngồi một góc, tự đẩy xe chơi một mình, vẻ mặt buồn bã chưa thể hòa nhập, mình cứ nôn nao muốn lao tới đón con về. Sau 1 tuần gửi bé,  mình mới có thể thích nghi dần với việc xa con.

Mình nhận ra một điều rằng, các mẹ không nên áp đặt nhiều kỳ vọng, về chăm sóc bé cho các cô. Các cô cũng chăm nhiều bé, nên hiểu cảm giác có khi sẽ sơ xuất, mẹ quá khó, sẽ vô tình đẩy các cô đối xử không tốt với bé, có thể gây áp lực ngược lại”, chị Thoa nhấn mạnh.

Bản thân chị Thoa cũng có sự chuẩn bị tâm lý trước khi cho bé Gold đi lớp (Ảnh: NVCC)

Cũng giống như mẹ, bé cũng cần phải chuẩn bị tâm lý, để làm quen với môi trường mới. Trước khi quyết định cho con đi học thử 1 tháng, chi Thoa thường xuyên nói chuyện về trường mẫu giáo cho con nghe.

Ngày nào trước khi ngủ, chị cũng thủ thỉ về việc con sẽ chuẩn bị được đến lớp. Hãy nói với con rằng, con đã lớn đã đến tuổi đi học, đi học rất vui và sẽ học được nhiều điều hơn.

Nhật ký 1 tuần đi học đầy cảm xúc của bé Gold

Sau quá trình chuẩn bị tâm lý, chị Thoa quyết định đăng ký cho bé Gold đi học thử 1 tuần. Mục đích vì muốn xem khả năng thích nghi của bé, đồng thời đánh giá chất lượng nhà trường.

Ngày 1: Mẹ cho Gold làm quen với các bạn và cô giáo, chơi cùng bạn khoảng 1 tiếng, mẹ cũng ở lại chơi cùng con.

Ngày 2: Mẹ cho Gold đi học nửa ngày, mẹ vẫn ở lại chơi với Gold tầm 30 phút. Lúc ấy, con khá tập trung chơi đồ chơi, mẹ về lúc nào cũng không hay. Kết quả là con vẫn chơi, vẫn ăn bình thường khi không có mẹ.

Ngày 3: Mẹ cho con đi học cả ngày, nhưng trưa đón con về ngủ, chiều đến lại đưa con qua trường học tiếp đến chiều.

Trải qua 1 tuần, bé Gold mới làm quen được với việc đi học (Ảnh: NVCC)

Ngày 4: Hôm nay, con đã quen dần với việc đi lớp, mẹ cho con ngủ trưa lại trường. “Lúc đưa vào lớp, dường như con biết phải xa mẹ, nên lưỡng lự không chịu vào. Nhưng mẹ quyết không mềm lòng, rời đi ngay, con cũng không khóc mà chạy vào chơi cùng các bạn.

Tuy nhiên, buổi trưa bạn ấy vẫn chưa thể tự ngủ. Cô phải dỗ dành, ôm ấp mới ngủ trên tay cô, cô đặt xuống lại khóc. Vậy là mẹ phải chạy qua trường, đón về nhà ngủ xong lại qua học tiếp”, chị Thoa tâm sự.

Ngày 5: Bé Gold bị sổ mũi, lây từ mấy bạn trong lớp. Con ốm, nên mẹ cho nghỉ dưỡng ở nhà 1 hôm.

Ngày 6: Mẹ cho đi học cả ngày, quyết định ngủ lại trường. Tuy nhiên, bé Gold cũng làm quen dần, con tự leo lên chỗ ngủ và tự ngủ. Mẹ ở nhà xem camera, rất vui vì sự thích nghi nhanh chóng của con.

Ngày 7: Tương tự ngày 6, con ăn, chơi, ngủ đều ngoan, các cô đều khen giỏi.

Hiện tại con đã duy trì được nền nếp ăn ngủ rất điều độ (Ảnh: NVCC)

Mẹ bé Gold cho hay, chị cảm thấy rất may mắn khi con thích nghi khá nhanh. Theo quan sát của chị, sau 1 tuần đi học, con đã quen nền nếp, biết ngồi yên nghe cô dạy hát, dạy múa, biết đến giờ đi ngủ (tự ngủ), biết hòa nhập cùng các bạn. Lúc này, chị vô cùng yên tâm và nhẹ nhõm.

Chị Thoa cũng đưa ra lời khuyên rằng, việc đi lớp không phải bé nào cũng sớm thích nghi được, quan trọng mẹ nên kiên nhẫn, chấp nhận vượt qua cùng con, tất cả rồi sẽ ổn và qua đi.

 Văn Anh

KhamPhaMai.com