“Nếu có em, con sẽ bị ra rìa”

Tôi nhìn con, không khỏi ngạc nhiên: “Sao con lại nghĩ như thế, con biết là bố mẹ luôn yêu con, chẳng phải con rất mong được gặp em đó sao?”.

Con bé dè dặt: “Bác N. bảo với con thế, bảo rằng khi có em, bố mẹ sẽ cho con ra rìa”.

Tôi ôm con vào lòng, cố tỏ vẻ dịu dàng vỗ về nhưng trong lòng trào dâng một nỗi tức giận. Từ khi biết có thai, tôi đã nói với con tôi về việc có em sẽ tuyệt vời như thế nào. Tại sao người ta có thể nói với con tôi như thế, sao có thể gieo vào đầu một đứa trẻ nỗi sợ hãi vô lý như vậy.

Vì điều kiện kinh tế, sau khi sinh con gái đầu lòng, chúng tôi trì hoãn việc sinh thêm con. Khi con gái tôi vào lớp Một, vợ chồng tôi quyết định sinh thêm bé nữa. Con gái tôi khi biết mình sắp có em rất vui. Hôm tôi đi siêu âm về, nhìn hình ảnh bé xíu trong phiếu siêu âm con bé cầm lấy chạy khoe với bạn bè trong khu: “Tớ sắp được làm chị rồi, tớ có em rồi”. Nhìn con bé rất hân hoan sung sướng.

Ảnh minh họa: Getty Images

Nhưng niềm vui ấy vừa mới chớm nở đã bị chị hàng xóm làm cho tắt lịm bằng câu: “Này XuMi, khi nào có em, bố mẹ sẽ cho cháu ra rìa, chỉ yêu em bé thôi”. Tôi nhớ mãi ánh mắt của con khi hỏi lại tôi câu hỏi đó. Anh mắt hằn rõ nỗi hoài nghi lo sợ “có phải khi em bé ra đời, bố mẹ sẽ không còn thương con nữa không?”.

Tôi sang nhà chị hàng xóm, nói rằng tôi thật không thích khi chị nói với con tôi những lời như thế. Chị ấy cười giả lả: “Chị đùa một chút thôi mà”. Nếu đó là một câu nói đùa thì thật sự không vui. Thật sự họ không thấy quá tàn nhẫn khi lấy nỗi sợ hãi của một đứa trẻ làm niềm vui cho mình?

Vài năm trước bạn tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bạn có một cô con gái đầu lòng, sau đó mang thai con trai. Bà nội của bé luôn dọa: “Cháu có ngoan không? cháu có ăn nhanh không? Nếu không ngoan, sau này có em, bà sẽ cho cháu ra rìa đấy”.

Hôm bạn sinh, bé được bố đưa đến bệnh viện thăm mẹ và em. Con bé thường ngày hay nói, nhưng hôm đó chỉ im lặng nhìn. Những ngày sau đó nó ít vào phòng mẹ. Rồi một hôm, bạn nhờ con ngồi trông em một lúc để bạn phơi quần áo. Vừa lên tầng thượng đã nghe tiếng thằng em khóc ré dưới nhà. Nhìn chân đứa em đỏ lên vì bị chị cấu, bạn tức giận đánh con gái.

Con bé chạy ra ngồi khóc ở thềm nhà. Nó nấc lên từng hồi: “Con ghét em, từ ngày có em, mọi người ai cũng quấn quýt lấy em. Mẹ suốt ngày bế ẵm em. Bà nội nói đúng, bố mẹ cho con ra rìa rồi”.

Chị lặng người nhìn con, nước mắt hai hàng lã chã. Con gái chị vốn rất ngoan, vốn rất hiểu chuyện và hiền lành. Chỉ bởi đầu óc non nớt của con đã ám ảnh một nỗi sợ hãi, nay thấy mẹ chăm sóc em liền sinh ra nỗi ác cảm ghét bỏ em. Chị thật sự không hề biết con mình đã suy nghĩ nhiều như vậy.

Bản thân chúng ta - những người đã trưởng thành, nếu không được người thân quan tâm cũng thấy có chút tủi thân cô đơn lạc lõng. Huống hồ một đứa trẻ còn trong vòng tay ấp ôm của mẹ cha, làm sao chúng chịu nổi cảm giác mình không được yêu thương bằng một đứa trẻ khác.

Khi cha mẹ có con nhỏ, đứa con lớn chắc chắn sẽ không được yêu chiều chăm bẵm nhiều như trước. Chỉ một câu nói “nếu có em, bố mẹ sẽ cho con ra rìa” sẽ khiến cho cảm giác “bị bỏ rơi” hay “không được thương nhiều như trước” chắc chắn xuất hiện.

Nhiều đứa trẻ đã nảy sinh tâm lý tiêu cực. Chúng trở nên lặng lẽ hơn, thậm chí ghét bỏ ngay cả em ruột mình, bạo lực ngay cả với em mình. Có chị từng kể với tôi, con trai chị hơn hai tuổi đã có em. Đêm nào thấy mẹ ôm em nó cũng gào lên: “Mẹ ôm con ngủ, mẹ nhét em vào lại trong bụng mẹ đi”.

Khi sinh thêm một đứa con, cha mẹ phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Nó bao gồm cả việc chuẩn bị tâm lý cho con mình để chúng sẵn sàng lên chức anh chức chị trong nhà một cách đầy vui vẻ tự hào. Thế nhưng, không chỉ có người dưng, ngay cả những bậc ông bà, cha chú cũng “vô tư” trêu chọc một đứa trẻ về việc nó sẽ bị “ra rìa” như vậy.

Một câu nói đùa vốn không có gì quá nghiêm trọng. Nhưng vấn đề ở chỗ những đứa trẻ mới mấy tuổi đầu, chúng không hề biết đùa. Những lời người lớn nói ra với vẻ mặt nghiêm trọng sẽ làm chúng sợ hãi. Một câu nói nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí chúng.

Xin đừng nói với một đứa trẻ rằng nó sẽ bị bỏ rơi, bị “ra rìa” khi em của chúng được sinh ra.

Lê Giang

Theo Dân Trí