Mùa dịch Corona, lắng nghe tâm thư của bà mẹ trẻ nhìn lại “hành trình chăm con đúng thời công nghiệp hoá”

Chị Như Quỳnh chia sẻ: “Bệnh dịch tới thôi thúc mình suy nghĩ nhiều hơn và cũng lo lắng nhiều hơn về tương lai, nhất là sức khoẻ của con yêu về sau. Sức đề kháng yếu, môi trường ô nhiễm mà chính chúng ta gây ra, liệu con chúng ta có đủ sức khoẻ để vượt qua bệnh tật, đủ kiến thức để phòng vệ cho bản thân?

Vậy nên, khi nói về chuyện ăn dặm với nhiều bà mẹ, mình luôn khuyên hãy cho con ăn dặm chỉ huy, hãy cố gắng theo đuổi phương pháp ăn ấy vì chính con, bởi nó liên quan đến mọi nết ăn của con sau này”.

Gia đình hạnh phúc của chị Như Quỳnh (Ảnh: NVCC)

Theo đó, bà mẹ trẻ cũng đưa ra một số lời khuyên và sự thay đổi cần thiết ngay lúc này cho các bà mẹ, để sớm nâng cao sức đề kháng cho bé như sau:

 Đầu tiên hãy thay đổi ý thức và cách làm

- Hãy nói không với việc ép con ăn, ăn theo bản thân chúng ta mong muốn là cực hình đối với 1 đứa trẻ - Hãy cho con ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều! Bạn có thể thích 1 em bé mập mạp, nhưng khi chúng lớn lên thì đó là 1 điều tai hại!

- Cho con ăn đa dạng ngay khi con dưới 1 tuổi vì trên 1 tuổi con cực kì kén chọn, và mẹ có thể đau đầu về việc này.

- Cho con ăn nhạt, đặc biệt lưu ý về lượng muối, lượng đường phù hợp theo lứa tuổi.

- Trẻ dưới 2 tuổi chỉ cần tránh chất béo xấu, và cần được bổ sung chất béo đúng và đủ để phát triển!

- Tránh các thực phẩm biến đổi gen, chứa thuốc trừ sâu, các thực phẩm công nghiệp và chứa quá nhiều chất bảo quản như bánh ngọt, kẹo,...

- Nói không với nước ngọt công nghiệp, thức ăn nhanh,... thực phẩm tinh luyện ít dinh dưỡng.

- Thức ăn của người lớn không mớm cho con ăn, nếu con xin hãy giải thích cho con hiểu con chưa phù hợp để ăn, dần con sẽ quen, còn cứ cho con 1 tí, 1 miếng sau này có muốn không cho cũng không được!

- Làm sao để thực hiện khi chúng ta không có điều kiện về kinh tế và thời gian? Chúng ta có thể không đủ điều kiện cho con ăn đồ hữu cơ, nhưng chúng ta có thể chọn lọc thực phẩm và chế biến an toàn cho con, hay đơn giản là giảm thiểu những cái xấu.

Hai bé Đậu, Cá luôn nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ khoa học từ mẹ (Ảnh: NVCC)

Chị Như Quỳnh cũng cho rằng, có thể chúng ta không có thời gian làm đồ ăn, thì hãy tổ chức thời gian và lịch sinh hoạt hợp lý, để làm và trữ thức ăn cho con, như ban đêm, sáng sớm và cuối tuần. Chúng ta cũng có thể giảm được đồ ăn công nghiệp, giảm được lượng đường, muối phù hợp trong khẩu phần ăn của con, trong quá trình tự chuẩn bị đồ ăn.

Bằng cách sử dụng riêng gia vị cho bé, lựa chọn muối có hàm lượng natri thấp, đường hữu cơ hoặc đường tự nhiên như (mật lá phong, mật thốt nốt, mật ong,..) Nên thay đổi thói quen xấu: sử dụng ít dần túi nilon, không xả rác vô tội vạ, không ăn vặt và thức ăn nhanh quá nhiều trong nhà, khi có mặt con, sử dụng ngôn ngữ tích cực khi con ăn, khi con chơi và khi con học. 

Bổ sung kiến thức về dinh dưỡng

Tuỳ vào độ tuổi của con, mà các chất dinh dưỡng cần bổ sung cho đúng. Các mẹ thường tự ý bổ sung thuốc, đặc biệt là canxi, DHA, tăng cân, tăng chiều cao, chống biếng ăn,... nhưng mỗi đứa trẻ cần có quá trình theo dõi, 1 chế độ ăn hợp lý và cả kết quả thăm khám từ bác sĩ nữa.

Bên cạnh đó, cần ăn uống bổ sung các chất thời kì lên 1 bao gồm: Sắt, kẽm, Vit D, chất béo, DHA, Choline… Nên cố gắng duy trì sữa mẹ tối thiểu tới 12m tuổi, vì đề kháng tuyệt vời từ sữa mẹ, dưới 2 tuổi nên dùng sữa nguyên kem. Dưới 1 tuổi không dùng sữa hạt, trên 1 tuổi có thể dùng như bữa phụ và ưu tiên sữa đậu nành, sữa từ đậu hà lan hoặc đậu hạt lành tính như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, kê...

Trên 2 tuổi uống sữa tách béo và thay đổi sữa hạt các loại. Hiểu về sữa 1 chút, mẹ sẽ không hoang mang và loạn với thị trường sữa tràn lan hiện nay.

 

Rèn luyện ý thức trước con

- Luôn vệ sinh sạch sẽ khi chế biến thức ăn cho con, dụng cụ chế biến đồ sống và chín phải tách biệt, luôn luôn rửa tay

- Giải thích cho con hiểu việc vệ sinh tay và chân, tập con rửa tay từ nhỏ, dạy con biết phân biệt sạch bẩn. Tuy nhiên, không nên lầm tưởng cấm con chơi tự do, giữ sạch thái quá nhưng chơi xong cần bắt buộc rửa tay và vệ sinh thân thể, để tránh mắc các bệnh hô hấp, tiêu hoá,...

- Ăn uống có ý thức và vào khuôn khổ, ăn đúng giờ và không vừa ăn vừa chơi, không ăn rong, không ăn bằng điện thoại hay ti vi.

- Đi ngủ sớm. Nếu chưa có được thói quen này, hãy cố gắng dần thay đổi. Vì chỉ có tự ngủ hay nếp ngủ đã được rèn từ nhỏ, thì bé sẽ tự buồn ngủ khi tới giờ.

- Giữ cảm xúc: hãy giúp con chúng ta có niềm tin vào ăn uống mà không áp lực, được đói để ăn ngon, ăn những gì chúng muốn. Tức là tạo thói quen ăn uống lành mạnh cả về dinh dưỡng thực phẩm, lẫn tinh thần cảm xúc khi ăn.

Các cách giúp con ăn uống lành mạnh

- Ăn cùng nhau: bạn chuẩn bị bữa ăn lành mạnh và ăn chúng ngon lành cùng con, ít nhất con sẽ dễ chấp nhận vì có bố mẹ.

- Cho ăn đáp ứng: ăn BLW, quyết định ăn gì, lượng bao nhiêu và xây dựng kỹ năng ăn uống tự chủ và vui vẻ.

- Kiểm soát tần suất và lượng ăn của các thực phẩm không lành mạnh như: bánh qui, thức ăn nhanh…tất nhiên mẹ không cần cấm, nhưng nhưng hãy cho bé ăn có tần suất ít, nếu tự làm là tốt nhất.

“Hàng ngày mình bị chỉ trích, vì việc không cho con ăn bất cứ gì người khác đưa, họ trách mình ác, mình làm quá, mình kỹ tính. Khi mình giải thích, mọi người đều nói con sẽ lớn rồi đi học, nếu ăn như thế sẽ kén ăn đồ ngoài. Tuy nhiên, sự thật là con không kén đồ ngoài  chút nào cả. 

Mình biết, chúng ta không thể quản được nhà trường sẽ có những món ăn phụ, nếu không muốn nói là độc hại từ các thực phẩm processing. Vậy tại sao khi ở nhà, cái chúng ta chủ động được, có thể giảm thiểu cho con lại ngần ngại không làm”, chị Như Quỳnh nhấn mạnh.

Mẹ hai bé Đậu, Cá cũng khẳng định rằng, những quan điểm cùng lời khuyên trên đây của chị, không phải gây áp lực, không phải nhất thiết ăn uống bổ dưỡng thái quá, cấm đoán con trẻ tuyệt đối. Mà là chính chúng ta hãy nghĩ thoáng, thay vì quá khắt khe thì hãy điều độ và cân bằng trong mọi thứ, điều độ lượng đường lượng muối, hạn chế ăn đồ tinh chế chẳng hạn, bởi vì khi con lớn hơn bố mẹ sẽ không theo mãi để ngăn chúng.

Hãy cố gắng làm hết sức, nhưng đừng tự ép bản thân, cải thiện được càng nhiều càng tốt, không như mong muốn thì cũng không phải điều xấu xa.Vì ít nhất chúng ta đã cố gắng làm những điều có ích nhất cho con. Nhưng đầu tiên là hãy làm và làm thật kiên trì.

Lê Huyền

Tags : Từ khóa

KhamPhaMai.com