Mẹ 9X dạy con dùng thìa ăn gọn bữa từ 10 tháng tuổi: Xem ngay kinh nghiệm mẹ nào cũng nên học

  • TAGS

Có thể nói trong quá trình ăn dặm, việc con chán ăn, không chịu hợp tác, bày bừa, khóc hét, nôn trớ… để phản đối thức ăn luôn khiến các mẹ đau đầu. Thế nên khi thấy một em bé ngồi ăn ngoan ngoãn trong ghế ăn, tự mình xúc thìa, hoàn thành bữa ăn một cách xuất sắc thì các mẹ đều “thèm thuồng” mong ước. Hiểu được điều này, nên chị Mai Sương đã cho bé Rity tập dùng thìa từ khá sớm.  

Chị Mai Sương và bé Rity (Ảnh: NVCC)

Được biết, mẹ trẻ Biên Hoà cho con ăn dặm theo BLW từ khi 7 tháng tuổi. Chị lựa chọn phương pháp này để mong muốn con có một khoảng thời gian ăn uống thật sự vui vẻ, thoải mái, ăn đầy đủ các loại thực phẩm, theo nhu cầu của con chứ không bị ép buộc. Và từ đấy đến nay, hai mẹ con luôn kiên trì, bền bỉ đi theo con đường này. Bé Rity cũng rất hợp tác với mẹ, con phát triển đúng theo các giai đoạn của ăn dặm BLW và đến 10 tháng thì đã có thể tự xúc thìa.

9X Biên Hoà tập cho con dùng thìa từ 9 tháng tuổi (Ảnh: NVCC)

Chị Mai Sương chia sẻ, muốn tập bé xúc thìa có 2 điều mà chị thấy cần lưu ý.

“Mình nghĩ, trước đó bé phải bốc nhón thành thạo. Vì có vậy tính kiên nhẫn của bé được tăng thêm một bậc, giúp bé có hứng thú hơn với bữa ăn. Nhiều mẹ vì nóng lòng muốn con hoàn thiện đầy đủ các kĩ năng của BLW, mà đã cho con làm quen với bát thìa từ sớm với hy vọng, con sẽ làm quen và tập luyện để hoàn thiện kĩ năng nhanh hơn. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Khi con chưa hoàn thiện kĩ năng bốc, nhón thì không thể hoàn thiện kĩ năng cầm thìa một cách khéo léo.

Thứ 2 cách chọn muỗng cho bé cầm cũng rất quan trọng, thân muỗng vừa tầm, tròn thân to hơn thìa người lớn dùng. Thông thường, để khi bé cầm được chắc tay,  không bị xoay, đầu muỗng thon và hơi sâu lòng đặc biệt nên chọn muỗng inox. Vì muỗng nhựa dễ bị tuột đồ ăn hơn. Rity thời gian đầu tập muỗng nhựa, nên con rất khó khăn trong việc xúc được”.

Bà mẹ trẻ chia sẻ thêm, chị bắt đầu cho con làm quen dùng từ 9 tháng, lúc ấy con đã bốc nhón rất tốt. Nhưng chỉ là cầm chơi để tập kỹ năng đưa muỗng, vào miệng chính xác.

Đến 10 tháng, chị cho con làm quen với 1 chiếc bát có cháo đặc, cháo đặc giúp bé dễ thực hiện việc xúc hơn, dễ dàng bám dính đồ ăn lên muỗng hơn là cơm, hay cháo quá loãng. Mẹ nên hỗ trợ cùng con ngày đầu xúc cháo sẵn lên thìa, rồi cho con dùng thìa đưa cháo vào miệng để con phát hiện ra rằng: chiếc thìa này có thể xúc được đồ ăn mà không hề bị bẩn tay. Đồng thời mẹ cũng chuẩn bị một cái bát, ngồi trước mặt bé ăn cùng và diễn tả “Con ơi! Mẹ ăn cùng nhé. Mẹ xúc cháo cho vào miệng nhé”. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên lặp lại 1-2 lần, nếu không con sẽ bị phân tâm trò chuyện.

Những ngày sau, mẹ cũng cùng con ăn như vậy. Lâu lâu hỗ trợ cầm tay con xúc thôi, không nên làm nhiều, con sẽ bị ỉ lại. “Một điều nữa mẹ nhất định cần lưu ý, trước bữa ăn 1 tiếng rưỡi hoặc 2 tiếng, mẹ không nên cho bé ăn vặt gì. Để bé thấy có hứng thú với bữa ăn hơn, với chiếc bụng đói”, chị Mai Sương bày tỏ.

Hiện tại bé Rity vừa bốc nhón vừa dùng thìa ăn rất gọn gàng (Ảnh: NVCC)

Đối với thói quen ăn uống của con, chị Mai Sương cũng rất thoải mái, không hề nóng vội. Chị không hi vọng nhiều vào việc con sẽ cầm thìa nhanh, chỉ mong con vui vẻ khám phá. Ngoài thời gian ăn, chị còn cùng bé chơi xúc gạo và xúc nước qua các chén cho bé tập luyện tay linh hoạt hơn.

Ngoài ra, chị Mai Sương còn nhấn mạnh rằng, dù là lúc đang tập hay lúc bé đã xúc thìa thành thạo, bé vẫn chọn song song 2 việc là vừa dùng muỗng vừa bốc tay. Hãy để con được thoải mái khám phá mọi kỹ năng của mình. Bé nhà mình giờ này 22 tháng, vẫn cầm gặm các món sườn, đùi gà rồi xúc cơm ăn kèm. Vì con thấy việc gặm nhấm như vậy, món ăn ngon hơn rất nhiều, mẹ nên để con được thoả thích khám phá, miễn sao con phát triển được kỹ năng tốt nhất.

 Văn Anh

 

KhamPhaMai.com