Luyện con tự ngủ theo phương pháp Easy từ 6 tuần tuổi, mẹ 8X chia sẻ kinh nghiệm chi tiết các mẹ ầm ầm học theo

  • TAGS

Chị Kiều Sương chia sẻ, kinh nghiệm này chị có được nhờ sự đúc kết từ kiến thức trong sách, mạng và kinh nghiệm của bản thân. Bà mẹ trẻ cũng hi vọng kinh nghiệm này sẽ giúp ích được cho các mẹ đang phải khổ sở vì giấc ngủ của con và muốn tìm ra hướng giải quyết tốt hơn.

Chị Kiều Sương và bé Coca (Ảnh: NVCC)

Tại sao phải tập tự ngủ cho bé?

Bà mẹ trẻ đưa ra lý do như sau:

Tập tự ngủ cho con, khiến bạn nhàn hơn, không phải bế ru, rung lắc cho con ngủ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh cực kì quan trọng, bé tự ngủ sẽ ngủ tốt hơn các bé ngủ phụ thuộc vào yếu tố nào.

Nhiều mẹ cho bé ti để ngủ, việc phụ thuộc ăn để ngủ tạo thói quen ăn uống không lành mạnh, gây khó khăn cho việc ăn dặm sau này, các bé ti để ngủ sẽ không biết ăn no, ăn giữa chừng rồi ngủ, xong lại dậy đòi ăn. Như vậy, ngủ không hiệu quả và không thể khắc phục.

Trình tự ngủ 4S, 5S – phương pháp tư ngủ ít tiếng khóc

Chị Kiều Sương cho biết, phương pháp này áp dụng hiệu quả nhất cho các bé dưới 3 tháng, bé càng nhỏ tập càng nhanh, trình tự ngủ 4S, 5S là sự lựa chọn tốt nhất ở độ tuổi này vì được cho là phương pháp nhẹ nhàng và ít tiếng khóc nhất.

Điều kiện quan trọng nhất để tập ngủ thành công chính là phải có nếp sinh hoạt Easy, vì theo Easy các bé giờ giấc ăn - ngủ rõ ràng, đến giờ ngủ bé sẽ buồn ngủ và vào giấc dễ dàng hơn.

Bé Coca vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)

Các bước tập tự ngủ cho bé

Bà mẹ Đắk Lắk bày tỏ: “Trước giờ ngủ 10-15 phút, bạn chuyển giao từ môi trường động sang môi trường tĩnh cho bé. Dừng các hoặt động vui chơi, để bé điềm tĩnh lại, báo hiệu cho bé biết là “sắp đến giờ ngủ rồi, mình chuẩn bị đi ngủ thôi nào”. Lúc này bạn vệ sinh, thay bỉm sạch sẽ cho bé và chuẩn bị hành trình luyện ngủ cho con”.

Bước 1: Swaddling – Quấn chặt bé 

Phải thực hiện thao tác này, vì dưới 3 tháng tuổi trẻ không có khả năng kiểm soát tay và chân của mình. Về bản chất, quấn trẻ cũng là 1 cách để loại bỏ những thứ gây kích động cho trẻ khỏi môi trường.

Các bé sơ sinh cần được quấn khi ngủ, quấn để tái tạo môi trường trong bụng mẹ, ấm và chặt, giúp con không bị shock khi thay đổi môi trường đột ngột (từ trong bụng mẹ ra ngoài rộng thênh thang). Các bé được quấn sẽ ít quấy hơn, ngủ ngon, ngủ dài hơn và hoàn toàn không bị giật mình nữa.

Chị cũng khuyên rằng, nên sử dụng khăn chuyên dụng để quấn, chất liệu mềm mịn thoáng mát khiến bé luôn thoải mái và ngủ ngon hơn.

Bước 2: Tạo môi trường ngủ

  Sau khi quấn bé xong, bạn bế bé đi kéo rèm, tắt điện, bật điều hoà. Vừa làm vừa thì thầm với bé: -Đến giờ đi ngủ rồi, mình đi ngủ thôi... -Mẹ đóng cửa nha... -Mẹ tắt đèn nè... -Mẹ kéo rèm nè... -Mẹ bật điều hoà nha -Hôn và chúc con ngủ ngon... Những hành động và câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày sẽ tạo cho bé 1 thói quen như trình tự chuyển giao giữa môi trường động sang môi trường ngủ. Môi trường ngủ cần mát mẻ, tối và yên tĩnh. Đảm bảo nhiệt độ phòng ngủ khi sử dụng quấn cho bé là từ 22-24 độ các mẹ nhé.

Lưu ý là nhiệt độ phòng, không phải nhiệt độ điều hòa, thân nhiệt trẻ em cao hơn người lớn, nếu bé nóng, bé sẽ ngủ không ngon.

Bước 3: Windown (WD) (bế vác – thư giãn)

  Khi tạo môi trường ngủ xong. Bạn bế vác bé như tư thế vỗ ợ hơi. Vỗ nhẹ vào lưng bé, người đung đưa nhẹ và miệng shhh để trấn an bé.Đây cũng là bước chuyển giao sang môi trường ngủ, để bé biết bé phải đi ngủ. Bế vác và vỗ lưng nhẹ giúp bé thư giãn, và tống hết khí hơi còn trong bụng ra ngoài để bé ngủ ngon hơn.

Bạn quay mặt bé hướng vào cảnh vật tĩnh, tránh để bé nhìn thấy bóng đèn, tranh ảnh sặc sỡ, đồ vật chuyển động, bé sẽ nhìn và mất tập trung. Tiếng shhh là âm thanh bé được nghe thường xuyên khi nằm trong bụng mẹ, nên shhh được sử dụng để trấn an bé, bạn có thể shh bằng miệng hoặc mở whitenoise bằng máy.

Bước 4: Đặt bé xuống cũi

Bế vác cho đến khi người bé thả lỏng thì đặt bé xuống giường, cũi. Với các bé mới tập tự ngủ thì bước WD mất 10-20phút, khi bé đã ngủ thành thạo rồi, thì WD chưa đến 5phút.   

Cần phải luôn đặt bé xuống khi bé chưa ngủ. Để bé tự tìm đến giấc ngủ trên giường, cũi. Lúc này bạn vẫn để tiếng Whitenoise và ngừng hỗ trợ, sử dụng nút chờ 3 – 5 phút, tuỳ bạn chờ được bao lâu. Sau nút chờ, nếu bé vẫn chưa ngủ được hoặc vẫn khóc, khi đó mới tiếp tục hỗ trợ bé.

Bước 5: Trấn an bé

  Khi sử dụng xong nút chờ mà bé vẫn chưa ngủ, bạn bắt đầu hỗ trợ bé bằng các trình tự trấn sau:

- Cho bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp vì như vậy giúp bé bình tĩnh hơn.

Hỗ trợ ti giả cho bé

Đặc biệt với các bé đã có thói quen bú mút để ngủ thì ti giả là vật rất cần thiết, thoả mãn nhu cầu mút mát của bé. Ti giả chỉ nên sử dụng để hỗ trợ trấn an bé vào giấc ngủ và khi chuyển giấc, dần con ngủ đêm tốt và ngủ ngày ít đi, ti giả cũng sẽ được sử dụng ít dần và bỏ hẳn.

- Vỗ và shhh: Bạn vỗ nhẹ và shh bằng miệng, vỗ từng nhịp, từng nhịp lên lưng, vai, đùi, mông bé, bắt cứ chỗ nào mà bạn thấy bé dễ chịu hơn. Hỗ trợ đến khi nào bé ngủ say thì ngừng. Nếu hỗ trợ khá lâu mà bé vẫn khóc và không ngủ, bạn lại bế bé lên và thực hiện WD lại từ đầu.

Khi bé ngủ chưa đủ giờ đã dậy khóc, thì bạn sử dụng nút chờ 3 phút - 5 phút -10 phút, tuỳ độ tuổi của từng bé. Nếu hết nút chờ mà bé không tự ngủ lại bạn bắt đầu hỗ trợ như trên cho bé. Nếu hỗ trợ khá lâu mà bé vẫn khóc và không ngủ, bạn lại bế lên thực hiện windown cho bé lại từ đầu.

“Nút chờ rất quan trọng trong tự ngủ, là khoảng thời gian chờ bé khóc, bạn phải để bé có không gian 1 mình, tự học cách tìm vào giấc ngủ, bé khóc lúc này khôn phải bé bị đau đớn gì cả, mà chỉ là bé đang buồn ngủ và muốn tự ngủ thôi. Bạn phải để bé khóc thì bé mới biết cách tự nín. Lúc nào bạn cũng kè kè bên cạnh và hỗ trợ bé, bé sẽ không có cơ hội được tự lập để tìm vào giấc ngủ”, chị Kiều Sương nhấn mạnh. 

Vì sao tập tự ngủ thất bại?

Bên cạnh đó, bà mẹ 8X cũng đưa ra lý do khiến việc luyện ngủ cho bé bị thất bại như sau:

Do bé không có nếp sinh hoạt Easy. Thời gian ăn ngủ lộn xộn bạn sẽ không canh được ngưỡng buồn ngủ của bé, để cho bé đi ngủ. Bạn và người nhà không nhất quán với nhau trong quá trình tập. Không làm đúng trình tự ngủ, đốt cháy giai đoạn.

Nhiều bạn mới tập tự ngủ cho con thấy con ngủ dễ quá, tưởng thành công rồi, lần sau lại bỏ bớt giai đoạn, không Windown, không white noise, không ti giả, con ngoan được 1 thời gian lại đến kì khủng hoảng hay phải kéo thời gian thức, con cáu gắt, lúc đấy mới bắt đầu WD, whitenoise thì con đã không còn thích nghi được nữa rồi.

Bên cạnh đó, do mẹ thay đổi nhiều phương pháp và không kiên trì một phương pháp đến cùng. Không sử dụng nút chờ.

“Tập tự ngủ cho con cũng có những khó khăn. Lớn nhất không phải ở bạn, ở con bạn, mà là ở những người thân trong gia đình bạn. Họ chính là yếu tố cản trở bạn nhiều nhất khi tập tự ngủ cho con, họ phản đối bạn quấn bé, phản đối bạn để cho bé khóc....

Rất nhiều bạn đã than phiền với mình khi bị ông bà, người thân phàn nàn đến áp lực và trầm cảm rồi chán nản bỏ cuộc. Mình cũng đã từng bị như vậy, nhưng đã quyết tâm rồi thì cứ kiên trì thực hiện, quả ngọt sẽ đến nhanh thôi”, chị Kiều Sương bày tỏ.  

Bà mẹ trẻ cũng khuyên rằng, hãy thuyết phục mọi người ủng hộ bạn, hoặc nếu không thể, ít nhất bạn hãy thuyết phục chồng của bạn đồng hành. Tinh thần là quan trọng. Hãy chứng minh cho mọi người thấy rằng con bạn có thể tự ngủ một cách ngoan ngoãn.

Văn Anh

KhamPhaMai.com