Lao vào săn sale Black Friday, chị em cẩn thận những 'cú lừa' vừa 'thủng ví' mà rước bực mình vào người

Black Friday có nguồn gốc từ Mỹ và các nước châu Âu, tuy nhiên hiện tại ngày mua sắm giảm giá này cũng có mặt ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Năm nay, các cửa hàng cũng tung chiêu giảm giá sốc từ 50-70%, thậm chí lên đến 90% để hút khách trong ngày Black Friday. Tuy nhiên, khuyến mại là một chuyện, việc làm thế nào để tránh những "cái bẫy" lại là điều mà nhiều người phải quan tâm, chú ý.

Những cú lừa...

Khi nhận thấy mức giá giảm mạnh, "sập sàn", người tiêu dùng mà nhất là các tín đồ mua sắm gần như quên hết tất cả. Họ lao vào săn sale nhưng không biết có những cú lừa đã "giăng bẫy" sẵn và gần như năm nào cũng vậy.

Cú lừa dễ nhận thấy nhất là chiêu trò nâng giá của sản phẩm trước khi diễn ra khuyến mại. Đây là cách mà các chủ cửa hàng dễ qua mặt nhất với khách hàng. Chị Nga (Hà Nội) kể: "Năm ngoái, tôi xem một đôi giày được treo quảng cáo sale 40%, giá còn hơn 700.000 đồng. Tôi nghĩ vậy là rẻ rồi nhưng sau khi mua xong, về tìm trên mạng mới thấy mức giá đó cũng chẳng khác gì giá so với thời điểm chưa sale, vì trước khi tung hàng sale, cửa hàng đã rao mức giá hơn 1 triệu đồng. Tôi ngao ngán khi biết mình gần như đã bị lừa vì mua hàng tưởng rẻ mà giá đắt không ngờ".

Với cách làm này, chủ cửa hàng vẫn được tiếng giảm giá cho khách, mức giá giảm mạnh nhưng không phải ai cũng biết được rằng đó là mức giảm sau khi đã tăng. Thực tế, mức giá sau khi giảm cũng ngang với mức giá ban đầu.

Ngoài ra, chiêu trò quảng cáo quá đà cũng là cách mà nhiều chủ shop "lập lờ" khiến khách nhầm lẫn. Chiêu "kinh điển nhất" phải kể tới là "sale up to 80,90%" nhưng chữ "to" viết rất nhỏ khiến cho khách bị cuốn hút. Tuy nhiên, khi vào tận nơi xem mới thấy bị lừa vì chữ "to" quá nhỏ, thực tế số hàng giảm 80-90% rất ít.

Nắm bắt được tâm lý của khách lao vào các chương trình giảm giá "khủng", nhiều cửa hàng cũng chọn thời điểm này để xả kho, đặc biệt là đẩy hàng tồn, hàng lỗi. Do đó, nếu như khách hàng không chọn cẩn thận thì có thể mua được giá đã khuyến mại nhưng thực ra là sản phẩm đã lỗi thời, chức năng yếu hơn sản phẩm hiện tại.

"Mua quần áo phải chọn kỹ lưỡng, phải quan sát và thử kỹ để tránh mua phải những chiếc quần áo bị lỗi mốt, may kém hoặc hàng lỗi bị người bán trà trộn. Người bán cũng có thể tận dụng sự háo hức của khách mà giới thiệu các mặt hàng khác có giá rẻ hơn cả món đồ cần mua, khách cứ nghĩ vậy là rẻ nhưng không biết được đó là chiêu trò để đẩy đi những sản phẩm không ai mua", chị Phương (Hà Nội) chia sẻ.

Mua không có kế hoạch

Nhiều người săn sale vì "đam mê", trong khi sản phẩm mua về không cần dùng đến. Nguyên nhân do mua sắm không có kế hoạch trước dẫn đến "ôm" những món đồ gia đình đã có. Không ít người sau mùa Black Friday cũng kêu ca phàn nàn vì "thủng ví" bởi mua quá nhiều.

"Năm ngoái, trong đợt Black Friday tôi đã tiêu hơn 5 triệu để mua các loại quần áo, giày dép và hàng gia dụng giảm giá. Khi mua thì không nghĩ nhưng về nhà mới thấy có nhiều kiểu quần áo đã có mà vẫn mua thêm quá phí tiền. Tôi cũng thấy cách đi mua sắm theo nhóm bạn dễ bị lôi kéo mua sắm trong khi không cần dùng", chị Hải (Hà Nội) trải lòng. 

Để tránh vấp phải tình huống này, chị Hải đã rút kinh nghiệm và chú ý lên danh sách cẩn thận trước khi mua. Kinh nghiệm của chị Hải là lên danh sách những thứ cần mua, gia đình đang cần và tránh đi mua cùng nhóm bạn.

"Tôi sẽ liệt kê cụ thể những thứ cần mua. Khi đi mua sắm mà hết thứ mình muốn mua thì không nghe tư vấn chọn các sản phẩm khác nếu gia đình không cần. Vì nếu mua theo tư vấn của nhân viên rất có thể ngốn khoản tiền mà sản phẩm mua về không phải là thứ gia đình đang cần", chị Hải chia sẻ. 

 

 Thứ Sáu Đen là một cái tên không chính thức cho ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh của Mỹ kể từ năm 1952, mặc dù thuật ngữ "Black Friday" đã không được sử dụng rộng rãi cho đến những thập kỷ gần đây

AM

KhamPhaMai.com