Không đổ lỗi

Cô quá đau khổ vì biết tin cậu con trai tự kỷ, lại rối bời không biết chữa cho con thế nào, vậy mà chồng cô lại bỏ mặc cô tự xoay sở một mình.

Ảnh minh họa

Thấy con trai không biết tương tác với bố mẹ, không có ngôn ngữ, chồng đã giục cô đưa con đi khám. Thế nhưng, cô không chấp nhận con mình lại là đứa trẻ có vấn đề. Dù gì, cô và chồng đều học hành giỏi giang, đều tốt nghiệp ở các trường đại học danh giá. Theo di truyền, con trai cô cũng sẽ thông minh, học giỏi giống bố mẹ. Cô từ chối đưa con đi khám vì lẽ đó. Thế nhưng, dù cố gắng dạy con thế nào, cậu con trai vẫn có "một thế giới khác", không quan tâm đến bố mẹ và những người xung quanh. Cô buộc phải đưa con đi khám và thực sự sốc khi bác sĩ kết luận, cậu bé có một chút rối loạn, cần đưa vào trường chuyên biệt.

Tâm trạng hoang mang, vậy mà cô còn bị chồng dằn vặt vì không chịu cho con đi khám sớm. Cứ như thể, mọi tội lỗi đều do cô gây ra. Cô đau khổ, mệt mỏi nhưng không thể chia sẻ với chồng. Anh chỉ im lặng suốt những ngày sau đó. Cuộc sống của cô không khác gì địa ngục.

Hành trình chữa trị cho con là quãng thời gian rút hết công sức, tiền bạc, mồ hôi, nước mắt của cô. Thế nhưng, dù có vất vả, tốn kém thế nào, cô cũng không ngần ngại. Điều cô mong muốn nhất là con có thể tiến bộ. Chỉ có điều, trong hành trình ấy, chỉ mình cô nỗ lực. Còn anh, vì giận cô nên vẫn cứ lặng im.

Từ giờ cô không thể buông xuôi. Điều cô quan tâm nhất hiện tại là con cần được yêu thương và thay đổi. Cô không còn sức lực để giận hờn chồng nữa. Thế nhưng, cô chỉ cô đơn trong hành trình chạy chữa cho con thời gian đầu. Cô xúc động khi biết rằng ở phía sau, anh vẫn lo cho con không khác gì cô. Anh cũng đau đớn như cô, cũng khóc nhiều đêm như cô. Khi đó, bao nhiêu khổ sở, áp lực tâm lý, sự vất vả, cô đơn dường như tan biến. Lần đầu tiên sau những ngày mệt mỏi, cô mới có giấc ngủ thật ngon bên chồng. Từ nay, khi có chồng ở bên, cô tin rằng gia đình mình sẽ vượt qua "giông tố".

Theo Đan Linh

Phụ Nữ Việt Nam

Theo Dân Trí