Khi bão covid ngang qua mái ấm

Những tháng sau đó anh sống trong áp lực "tiền, tiền, tiền". Sáng nào mở mắt ra vợ cũng kêu hết cái nọ, cái kia không có tiền mua. Thực ra kinh tế hai vợ chồng chưa đến nỗi thê thảm.

Vợ vẫn có công việc ổn định, lương cao. Chỉ có điều phải chi tiêu dè sẻn hơn, không thể đưa cả nhà thoải mái đi du lịch, ăn uống bên ngoài.

Sau đó anh xin lại được một chỗ làm nhưng lương chỉ bằng 2/3 của vợ. Vợ không coi anh ra gì, nhiều lần ám chỉ anh bất tài. Thế rồi, vợ chồng xung đột kéo dài, buộc phải ly hôn. Vợ đưa con trai mới biết bập bẹ gọi "bố" ra đi, ánh mắt con thơ ám ảnh anh mãi, anh khóc đỏ hoe mắt.

Vợ lay người anh dậy, hỏi anh gặp ác mộng à. Thì ra, đó là giấc mơ. Bao năm rồi cuộc chia ly với vợ cũ vẫn làm anh day dứt, thỉnh thoảng anh vẫn nằm mơ thấy rõ mồn một. Không phải vấn vương gì vợ cũ, mà là anh thương nhớ con và quá ám ảnh nỗi đau mất việc, không tiền.

Giờ anh đã có cuộc sống mới với em và hai con gái. Em cũng nhắc anh thường xuyên đón con trai về chơi. Sau khi ly hôn vợ đầu, anh chuyển hẳn sang ngành du lịch. Công việc mới mang đến cho anh nhiều trải nghiệm và sự tự tin.

Cuộc sống chỉ vừa ổn định được vài năm thì biến cố dịch Covid-19 ập đến. Đã hai tháng nay anh chỉ nhận lương cơ bản, bằng 1/4 thu nhập thông thường. Giờ thì anh đang phải ở nhà hẳn, tạm nghĩ việc không lương trong thời gian bệnh dịch.

May mắn công việc của em còn kiếm ra tiền, hiện tại, em là lao động chính trong nhà. Hằng ngày em vui vẻ chào ba bố con đi làm, tối về vẫn ôm ba bố con ngủ. Em có buồn, có lo chứ. Khoản tiền tiết kiệm đã phải đem ra sử dụng và đang mòn dần. Nhưng em vẫn động viên cả nhà cùng cố gắng. Em bảo rằng giữa lúc đại dịch, gia đình vẫn khoẻ mạnh đã là may mắn rồi.

Giờ mình sống chậm lại, ăn uống đơn giản hơn. Anh dành toàn bộ thời gian làm ông bố bỉm sửa, thế mới thương hơn, hiểu hơn vất vả của vợ. Những ngày anh bận rộn tăng ca hay đi công tác xa, một mình em gánh vác nhà cửa, con cái, bao nhiêu việc không tên.

Em nói rằng “nghèo một chút nhưng dạo này em thấy nhà mình rất đầm ấm, anh làm những việc lâu rồi không đụng đến như sấy tóc cho em, đọc sách cho con ngủ”.

Bấy lâu nay anh cứ lao về phía trước, nghĩ cách kiếm tiền. Thời gian này anh mới biết, chi tiêu tiết kiệm cũng là một kỹ năng rất cần thiết. Và quan trọng hơn cả là tình cảm gia đình và những hành động quan tâm nhỏ nhặt nhưng xây đắp hạnh phúc bền vững. Lời động viên từ vợ, sự săn sóc của chồng, anh tin rằng ngần ấy thôi cũng đủ giúp mái ấm ta vượt qua mùa đại dịch.

Lê Khôi

Theo Dân Trí