Hạnh phúc thay những “em cu Tai”

Chuyên gia tâm lý người Mỹ Gary Chapman cho rằng, trong những năm tháng đầu đời, nhu cầu của trẻ về thức ăn và sự âu yếm là như nhau, trẻ cần có cả sữa và sự chăm sóc dịu dàng. Không được cho ăn uống, trẻ sẽ chết đói. Còn nếu không có tình yêu, trẻ sẽ bị “đói” về mặt tình cảm và bị “tật nguyền” về mặt tâm hồn.

Theo Tiến sỹ Gary Chapman, nhiều nghiên cứu cho thấy nền tảng tình cảm của con người nằm ở 18 tháng đầu đời, đặc biệt trong mối liên hệ giữa mẹ và con. Dưỡng chất cho cuộc sống tình cảm của trẻ chính là sự vỗ về âu yếm, những ngôn từ yêu thương và sự chăm sóc dịu dàng.

Nếu xét như vậy, thì người mẹ nào, dù giàu hay nghèo, cũng đều có thể cho đứa con nhỏ của mình hai thứ con cần là sữa và sự chăm sóc dịu dàng. Nhưng dường như một “người mẹ nghèo” có thể làm điều này tốt hơn một “người mẹ giàu” vì “người mẹ nghèo” thường tự tay chăm sóc đứa con sơ sinh của mình, thay vì để người khác, đặc biệt là người giúp việc chăm sóc.

Bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870 - 1952) đã chia sẻ quan điểm này trong cuốn sách “Trí tuệ thẩm thấu”: Chúng ta thấy ở người lớn thì nghèo là khổ trong khi trẻ con nhà giàu lại thường là những đứa trẻ phải chịu khổ nhất. Trẻ con nhà giàu bị mẹ giao cho vú em chăm sóc, trong khi người mẹ nghèo làm theo phương thức đúng đắn nhất đó là gần gũi chăm sóc con mình.

Bác sĩ Montessori cho rằng khi trẻ ở riêng với người trông trẻ, bởi vì không có bất kỳ sự bày tỏ tình cảm hay cảm xúc đúng thật như là người mẹ với đứa trẻ, thế thì sẽ có những trở ngại nghiêm trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của đứa trẻ; điều chắc chắn xảy ra kèm theo hậu quả tai hại là sự chậm phát triển hoặc sự không phát triển trọn vẹn một cách nghiêm trọng, ta có thể nói đứa trẻ bị bỏ đói về tinh thần.

Bác sĩ Montessori cũng quan sát thấy rằng, những “bà mẹ bình dân” thì chịu khó mang theo con khi đi ra ngoài, chứ không “ém” con trong phòng kín để giữ vệ sinh, nhờ đó mà đứa trẻ có thêm thời gian bên mẹ. Khi được ở bên mẹ khi mẹ ra ngoài, trẻ nhỏ được cung cấp cả sữa mẹ và tình yêu thương, điều này hỗ trợ cho việc trẻ thích nghi với môi trường. Nhờ sự thích nghi này mà khi lớn lên trẻ sẽ thích ứng tốt hơn với cuộc sống - theo bác sĩ Maria Montessori, tất cả những vấn nạn xã hội như chúng ta gặp phải ngày nay đều bắt nguồn từ sự không thích nghi của một người nào đó.

Nhà giáo dục Montessori cũng nhận thấy một điều thú vị là đứa bé được đi cùng mẹ thì không bao giờ khóc, trừ phi nó bị ốm hoặc bị đau. Theo các nhà tâm lý học, đứa trẻ khóc và bị kích động, nó “cáu kỉnh” bởi vì nó “bị bỏ đói” về mặt tinh thần.

Nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ Mary Pipher từng viết rằng: “Đối lập với quan niệm từ nền văn hóa rộng lớn hơn, hầu hết những gì trẻ em cần đều không thể mua được bằng tiền. Trẻ em cần không gian và thời gian, cần sự chú ý, tình cảm yêu thương, sự hướng dẫn và đối thoại. Các em cần những nơi trú ẩn an toàn để học những gì các em cần biết để sinh tồn”.

Và thiết nghĩ, với trẻ nhỏ, nơi trú ẩn an toàn nhất là trong lòng mẹ, ở bên mẹ.

Viết đến đây, tôi bất giác nhớ đến câu thơ trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm:

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”

Thật hạnh phúc thay những em bé như “em cu Tai” ấy khi có thật nhiều thời gian ở bên mẹ - người thân yêu nhất, người thân yêu đầu tiên khi em đến với cuộc đời này. Quãng thời gian ở bên mẹ lúc đầu đời ấy sẽ giúp em thích nghi tốt với môi trường lạ lẫm bên ngoài, để sau này em mạnh dạn hơn khi bước vào cuộc đời rộng lớn.

“The best things in life they are free” (tạm dịch: “Những điều tuyệt vời nhất trên đời thì đều không mất tiền mua”) - câu hát trong một bài hát tiếng Anh đúng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, và trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ nhỏ thì câu đó càng đúng luôn!

Theo Facebook Vũ Thị Minh Thương

Clip thư giãn: Những đứa trẻ hài hước
Theo Dân Trí