“Em làm gì mà giờ này chưa đón con?”

Từ đi chợ nấu cơm, rửa bát quét nhà, giặt giũ quần áo, dọn nhà, chăm con, dạy con học, trao đổi với giáo viên về việc học của con… tất tật đều tôi làm.

Lọ mắm lọ muối trong nhà để đâu có khi anh còn không biết. Cơm dọn lên thiếu bát nước mắm anh cũng gọi tôi cơ mà. Con đi học về lúc mấy giờ, cần đi tắm lúc nào để kịp ăn cơm, ăn cơm xong ngồi vào bàn học mấy tiếng thì đến lúc phải lên giường đi ngủ anh cũng đều không quản.

Anh cứ chỉ biết sáng quần là áo lượt do vợ chuẩn bị sẵn bước chân ra khỏi nhà đi làm, chiều tối về đã có cơm nước chờ sẵn, anh ăn xong thì ra sofa ngồi khểnh chơi game trong lúc tôi dọn dẹp.

Đều đặn mỗi tháng anh đưa tôi 20 triệu, còn 5 triệu anh giữ lại để tiêu vặt. Anh nghĩ đưa vợ ngần ấy đã là nhiều lắm. Anh đưa được tiền về cho tôi để mua thức ăn, chi trả chi phí sinh hoạt gia đình là anh “làm việc lớn” rồi. Việc đàn bà cỏn con là tất cả những việc còn lại.

Tôi không có công việc ổn định, ở nhà bán hàng online nên giờ giấc linh hoạt, thu xếp được việc nhà. Tính tôi không thích đôi co với ai nên nhiều lúc chồng ca thán phàn nàn tôi cũng đều mặc kệ cho qua hết. Anh ấy vì không thấy vợ nói gì nên rất hay hoạnh hoẹ: “Em làm gì mà tối qua không là áo cho anh? Anh dặn áo trắng, không phải áo xanh, em làm gì mà lời anh dặn cũng không để vào đầu thế?”. “Em làm gì mà giờ này còn chưa cơm nước?, “Em ốm à? Ở nhà cả ngày có làm gì đâu, sao không ra viện mà khám xem sao?”...

Cho đến ngày, mẹ tôi bên nhà bị tiền đình, tự nhiên đầu óc choáng váng rồi nhìn gì cũng thấy đổ. Bố lo sợ gọi điện cho tôi, tôi chạy ù sang cùng ông đưa bà đi viện.

Lúc lo thủ tục tôi đã gọi cho chồng nhờ anh đón con rồi. Nhưng chiều muộn hôm ấy không có ai đón con tôi. Tầm gần 6 giờ tối cô giáo gọi điện cho tôi nói con vẫn chưa có ai đón, các bạn đã về hết, con đang buồn thiu và bắt đầu khóc.

Tôi gọi điện thông báo cho chồng là con đang khóc ở trường, câu đầu tiên anh bảo tôi là: “Em làm gì mà giờ này chưa đón con?”.

Đến nước này thì tôi hết chịu nổi, gằn giọng từng tiếng: “Anh đón con ngay, rồi về nhà nói chuyện”.

Lo cho mẹ nhập phòng bệnh xong xuôi tôi trở về nhà. Vợ chồng ngồi xuống nói chuyện với nhau, tôi bảo anh ấy:

“Anh ạ, so với anh có công việc ổn định lương tháng 25 triệu, lâu nay em đúng là chẳng làm gì. Không làm gì mà nhà cửa vẫn sạch, cơm nước vẫn sẵn để anh về ăn, quần áo vẫn sạch sẽ phẳng phiu anh chỉ cần với tay lấy là có. Con cái chúng mình, toàn tự hít khí giời mà lớn, tự khôn nên học hành giỏi trong lớp chẳng thua kém bạn nào. Em lại còn đểnh đoảng quá, tiền anh đưa một tháng chi tiêu tiền điện tiền nước, tiền thức ăn, mua sắm quần áo, vật dụng gia đình, đóng học phí tiếng Anh, Toán, học năng khiếu cho các con, rồi tiền khóc tiền cười cứ thiếu trước hụt sau, phải lấy tiền bán hàng online ra mà bù mới đủ. Em chẳng giúp được gì, nên từ mai xin phép anh em sang chăm sóc mẹ. Mấy bố con tự ở nhà với nhau, anh tự lo, tiền tháng cũng không cần đưa em nữa”.

Chồng tôi im lặng không nói gì. Tới sáng hôm sau, anh ấy bảo tôi: “Để anh đưa em vào viện với mẹ, em cứ chăm bà, việc nhà mấy ngày này cứ để anh lo”.

Kể từ hôm ấy không thấy chồng tôi tua điệp khúc “em làm gì…” nữa. Dường như anh ấy đã hiểu, những gì một người phụ nữ âm thầm làm để chăm sóc cho gia đình cô ấy là không đo đếm được, không nói ra không có nghĩa là nó không có, không tồn tại. Công lao của cô ấy in dấu khắp ngôi nhà.

Huyền Anh

Theo Dân Trí