Để bé bớt quấy khóc khi mẹ vắng nhà

Sớm cho con làm quen với “người lạ”

Mối liên hệ khăng khít giữa mẹ và bé là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, bé cũng cần phải được tiếp xúc với họ hàng, láng giềng và có thể là cả bảo mẫu.

Trong khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi, bé hầu như có thể cởi mở giao tiếp với tất cả mọi người nên cha mẹ cần sớm cho bé làm quen để tránh hiện tượng “lạ người” ở bé.

Dần học cách xa mẹ

Ban đầu, bé chắc chắn sẽ rất bối rối, khó chịu. Tuy nhiên, các mẹ hãy dần để cho bé hiểu rằng, dù mẹ có đi đâu, làm gì thì sớm hay muộn mẹ cũng sẽ trở về bên bé. Và khi mới bắt đầu, mẹ nên nói rõ với bé rằng mẹ sẽ đi sang phòng bên, đi chợ hoặc đi làm rồi quay lại với bé sau 1 tiếng hoặc trở về vào lúc trời tối.

Chọn thời điểm thích hợp

Hãy cố gắng để khi bạn phải ra ngoài, bé không ở trong trạng thái khó chịu. Bé nên cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi cô bảo mẫu đến nhà. Và dĩ nhiên, nếu như bé ốm đau, mỏi mệt thì chắc chắn bé sẽ muốn có mẹ ở bên cạnh.

Đánh lạc hướng

Đôi khi, hãy cho bé có thời gian vui thú với những món đồ chơi thú vị hoặc bất kỳ hoạt động nào khác hấp dẫn bé. Như vậy, bé sẽ bớt chú ý đến việc mẹ vắng nhà.

Đừng nhìn lại

Nếu bạn có công việc cần phải ra ngoài và đã hạ quyết tâm đi thì đừng dùng dằng, quyến luyến bé. Việc bạn trở lại âu yếm tạm biệt bé rồi lại đi ra ngoài có thể còn khiến cho bé lo lắng, buồn bực hơn gấp bội.

Chấp nhận nước mắt

Khi đột ngột vắng mẹ, trẻ nhỏ có thể quấy khóc và thậm chí là gào thét gọi mẹ. Thế nhưng, nước mắt thường chỉ là nhất thời. Do đó, các mẹ nên chấp nhận chuyện con khóc và đừng nên bước đi với một tâm thế day dứt, tội lỗi vì không thể ở cạnh con mọi lúc, mọi nơi.

Trà Xanh

Theo MOM

Clip vui: Những pha hài hước của bé
Theo Dân Trí