Công thức làm món bánh bao nấm lạ mắt “nhìn là yêu”, con ăn thun thút vì ngỡ nấm thật

  • TAGS

Là một người mẹ đảm đang, chăm con khéo léo, 9X Nha Trang luôn mong muốn mang đến cho con những món ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhưng không kém phần sáng tạo để tạo hứng thú cho con mỗi bữa ăn.

Bánh bao là món ăn vừa ngon, lại tiện lợi cho bữa sáng của người bận rộn. Tuy nhiên,  không phải ai làm cũng ngon và đảm bảo vệ sinh. Hơn thế, đây cũng là một trong những món khoái khẩu của cô con gái, nên chị Thuý Kiều đã quyết tâm mày mò công thức làm bánh bao nấm, phá cách, sáng tạo hơn với những món bánh bao thông thường.

Chị Thuý Kiều và con gái (Ảnh: NVCC)

Chị Thuý Kiều cho biết, món bánh bao nấm là món chị thường cho con ăn vào bữa phụ. Giúp bổ sung thêm dinh dưỡng cho con, đặc biệt là trong giai đoạn con biếng ăn sinh lý, biếng ăn do mọc răng... Hơn thế, chị muốn tạo ra sự khác biệt về khẩu vị, làm bé thấy ngon miệng, hào hứng với bữa ăn hơn.

Nhìn món bánh bao độc đáo, mới lạ, thơm ngon, tạo hình y như cây nấm thật với màu sắc bắt mắt, bất cứ ai cũng không ngớt lời khen về sự khéo léo của bà mẹ đảm. Riêng con gái chị Thuý Kiều cũng tưởng nấm thật, nên thích thú ăn thun thút. Cùng tham khảo công thức làm món bánh bao nấm siêu độc đáo của 9X Nha Trang dưới đây.

Bé Ny rất hào hứng và hợp tác với những món ăn mẹ nấu, nhất là món bánh bao (Ảnh: NVCC)

Công thức làm món bánh bao nấm siêu độc đáo

Nguyên liệu:

- 150gr bột mì (75gr bột mì số 8 + 75gr bột mỳ số 11)

- 6gr sữa công thức

- 1.5 gr instant yeast (Men không cần kích hoạt)

- 20gr đường xay mịn

- 70ml đến 80ml sữa tươi không đường nhiệt độ phòng (có thể thay bằng nước, nhưng sữa làm kết cấu bánh xốp mềm và trắng bánh hơn).

- 6ml dầu ăn - 1/2 thìa cà phê yaourt không đường (bí quyết thúc đẩy men hoạt động tốt làm kết cấu bánh xốp và nở tốt)

- 15gr bột ca cao nguyên chất

- 20- 25ml nước (để pha cacao)

Cách làm:

- Cho tất cả các nguyên liệu vào thau trộn, dùng đũa, muỗng gỗ hoặc spatula, trộn đều các nguyên liệu, thường thì khoảng 1phút sẽ hoà quyện hoàn toàn. Nếu thấy vẫn còn bột khô nhiều, thì khối bột cần thêm sữa, chỉ cho thêm từng ít một tránh cho khối bột nhão quá. Trộn đến khi hoà quyện thì ngưng.

- Cho khối bột ra bàn và bắt đầu nhồi. Khi nhồi bột các bạn tưởng tượng như đang giặt đồ. Cứ làm như vậy với khối bột. Không cần làm nhanh hay mạnh , chỉ cần nhồi đều tay. Kéo giãn và đẩy bột như chà áo quần áo. Thỉnh thoảng lăn khối bột giống như bạn đang vê bột thành sợi dài, rồi tiếp tục nhồi.

“Làm như vậy sau khoảng 10 phút bạn sẽ thấy khối bột mịn hơn rất nhiều. Như mình nhồi thì bột đạt luôn. Nếu bạn nào nhồi còn hơi chưa mịn hẳn, cũng không sao hết. Mình sẽ làm việc đó sau khi để bột nghỉ và tạo hình”, chị Kiều nhấn mạnh.

- Cho khối bột lại vào thau, bịt kín bằng màng bọc thức ăn, và để bột nghỉ chỉ 15phút.

- Mang khối bột ra lăn và ấn khối bột và nhồi lại sơ, để bọt khí trong khối bột sinh ra trong thời gian nghỉ thoát ra ngoài hết.

- Chia thành 3 phần (2 phần làm mũ nấm, 1 phần làm thân nấm), phần mũ nấm chia thành nhiều phần nhỏ bằng nhau tùy ý.

- Dùng màng bọc đậy kín toàn bộ phần bột đã chia để không bị khô bột, lấy từng viên ra để tạo hình.

Chị Kiều cũng nhấn mạnh về 3 bước quan trọng, để các bạn tạo hình mặt bánh mềm mịn, bánh nở tròn và không bị bè ngang sau khi hấp như sau:

- Để bột ra bàn và vê thành sợi, cuộn lại rồi lại vê dài như vậy 3 lần, bước này làm bột trắng lên rõ rệt , bạn có thể so với phần bột đã chia chưa làm sẽ thấy trắng hơn rất rõ, đây là một bí quyết nhỏ giúp bánh trắng thêm.

- Dùng mu bàn tay ấn đều đặn từng mép bột vào phần trung tâm của viên bột, để làm mịn mặt bột bên dưới. Đến khi thấy mặt bột bên dưới mịn đạt yêu cầu, thì lật mặt viên bột bên dưới lên, chấm một chấm sữa ra bàn rồi úp lòng bàn tay xoa đều viên bột ( sữa giúp đóng mép bột bên dưới kín lại). Cứ xoa vê tròn như vậy đến khi viên bột mịn tròn đẹp hoàn toàn.

- Sau khi viên bột tròn mịn đẹp, để viên bánh trên bàn dùng hai lòng bàn tay, xoay tròn vừa xoay vừa đẩy viên bột lên cao nhất có thể.Vì sau khi ủ bánh sẽ bè ngang và thấp xuống vừa đẹp. Bước này giúp bánh không bị bẹp xuống khi hấp.

- Tạo hình xong để viên bột vào giấy lót, lấy bột cacao đã pha loãng dùng chổi quét phủ đều khắp mũ nấm, rồi bỏ vào khay dùng để hấp. Che lại cho khỏi bị khô (dùng giấy lót cupcake hoặc giấy nến)

- Lấy phần bột để làm thân nấm chia thành 3 phần, từng phần vo tròn và bỏ ra bàn ve thành 1 cây dài, dùng miếng nhựa cắt thành từng phần thân nhỏ bằng nhau, vo vo cho thân nấm có 1 đầu to 1 đầu nhỏ, cứ làm cho đủ số lượng là dừng (trong thời gian làm nên nhớ dùng màng bọc thực phẩm che những phần bột chưa làm để tránh bị khô). 

- Tạo hình xong tất cả thì mang đi ủ. Đây là bước quan trọng giúp bánh nở tốt mà không cần bột nở. Xếp tất cả bánh vào xửng hấp, đậy nắp lại. Lấy nồi hấp cho nước vào khoảng 3cm. Không nên cao hơn, vì lát sẽ dùng nước này để hấp bánh luôn. Đây là mực nước an toàn đủ để hấp bánh, mà không bị bắn nước lên làm bánh bị nhăn và xẹp bánh.

- Đun nóng nước lên đến 45 độ.  Đặt sửng hấp lên trên và bắt đầu ủ bánh, mở hé nắp khoảng 1cm trong quá trình ủ. Thời gian ủ là 1 tiếng.

“Tuy nhiên có một số nơi, nếu quá nóng bánh có thể nở nhanh hơn, khoảng 30 phút là bánh đã đạt. Do đó, có thể kiểm tra bánh ủ đủ chưa bằng cách, bánh nở so với kích thước ban đầu là 60% là đạt, ấn nhẹ vào mặt bột bánh sẽ đàn hồi trợ lại, mặt bột căng mịn, như vậy là bột ủ đủ .

Bánh ủ đạt, đặt xửng hấp ra bên ngoài và đun nóng phần nước bên dưới.  Đến khi nước khoảng 80 độ, tức là sủi tăm chứ không sôi hẳn, bánh sẽ nở đẹp và tốt hơn. Đặt xửng hấp lên và hấp bánh lửa vừa trong vòng 11 phút. Nhớ dùng khăn để bọc kín phần nắp nồi, tránh làm hơi nước bốc lên nhỏ vào bánh làm bánh xẹp và nhăn nheo không mịn.

Hết thời gian mình để yên bánh như vậy 7 phút. Mình không để lâu hơn vì bánh sẽ bị mềm ướt do hơi nước bốc lên. Sau đó, mở nắp và mang ra ngoài để nguội , lấy dao nhọn khoét 1 lỗ dưới mũ nấm, gắn thân nấm vào và cất bảo quản là xong”, 9X Nha Trang hướng dẫn.

Tuy nhiên, để có thể làm món bánh thành công, chị Thuý Kiều cũng lưu ý rằng: Khối bột khô sẽ không cho bánh nở xốp, nhão thì không thể tạo hình đẹp và bánh nở sẽ bị bè xấu. Vì thế áp dụng như cách trộn nguyên liệu trên, để thấy khi nào là đủ, bánh hấp xong sẽ tròn đẹp giữ dáng không bị bè.

Các bước nhồi bột làm theo hướng dẫn, để bánh mịn màng và trắng đẹp. Nếu nhồi máy thì nhồi ở tốc độ trung bình khoảng 7 đến 10 phút. Bánh bao nếu nhồi lâu,sẽ dai ăn như bánh mì. Các bước tạo hình làm tốt bánh sẽ đẹp.

Ủ bánh rất quan trọng, nếu ủ không đủ bánh sẽ chai, dai, cứng, màu bánh vàng và không nở xốp. Ủ bánh quá lâu, bánh có mùi men nồng, bánh nhăn nheo khi hấp.

Tuyệt đối không mở nắp ra ngay sau khi hấp, để giữ bánh đẹp không bị xẹp. Ít nhất 5 phút mới mở nắp và không để lâu hơn 10 phút vì bánh sẽ bị mềm ướt do hơi nước bốc lên.

Mặc dù công đoạn làm nên bánh bao nấm khá phức tạp và cầu kì, nhưng thành quả làm ra lại khiến chị Thuý Kiều vô cùng hài lòng, nhất là khi được chứng kiến con gái thưởng thức món ăn một cách thích thú.

Văn Anh

 

KhamPhaMai.com