Công dụng loại nhựa “thần kỳ” thời cổ đại đến nay vẫn "hot"

Được con người sử dụng từ hơn 8.000 năm trước, ngày nay nhựa bitum vẫn là một thành phần rất phổ biến trong công nghệ chống thấm.

Nhắc tới dầu mỏ, phần lớn mọi người sẽ nghĩ tới một loại tài nguyên có giá trị cao và đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp hiện đại. Ít ai ngờ rằng việc ứng dụng dầu mỏ trong đời sống và sản xuất đã được thực hiện từ thời cổ đại.


Thời cổ đại, nhựa bitum được trộn với cát để làm vữa xây dựng. (Ảnh minh họa)

Theo đó, từ dầu thô khai thác từ các mỏ lộ thiên, vào khoảng năm 6.500 TCN người vùng Mehrgarh (nay thuộc Pakistan) đã làm ra nhựa bitum, một loại chất lỏng dính và đặc sánh. Họ dùng nhựa này phết lên giỏ làm bằng sậy để chống thấm nước. Việc sử dụng nhựa bitum nhanh chóng lan rộng trong các nền văn minh cổ.

Ở Lưỡng Hà, từ thiên niên kỷ thứ IV TCN, nhựa bitum được trộn với cát để làm vữa xây dựng, cũng như trét lên thành tàu thuyền.

Khoảng năm 2.600 TCN, các cư dân văn minh sông Ấn đã phủ nhựa bitum lên thành bể xây bằng gạch để chống thấm. Nhựa bitum đã trở thành một mặt hàng có giá trị cao, được buôn bán xuyên biên giới thời cổ đại.

Rất lâu sau ứng dụng nhựa bitum, dầu mỏ mới được sử dụng làm chất đốt. Đó là vào khoảng thế kỷ 4 TCN, người Trung Hoa cổ đã làm những chiếc đèn đốt bằng dầu mỏ tinh lọc. Nhìn chung, nhựa Bitum vẫn là ứng dụng phổ biến nhất của dầu mỏ thời cổ đại.

Ngày nay bitum vẫn là một thành phần rất phổ biến trong công nghệ chống thấm, có mặt ở nhiều sản phẩm chống thấm trên thị trường. So với thời cổ đại, công nghệ sản xuất bitum đã thay đổi rất nhiều nên chất lượng của loại nhựa này đã cao hơn đáng kể.

Nhiều người lầm tưởng bitum chính là nhựa đường, nhưng thực tế nhựa đường chỉ là một nhánh của bitum. Trong lịch sử, nhựa đường được biết đến muộn hơn rất nhiều so với bitum thời sơ khai.

Theo kienthuc